Trung Quốc chuẩn bị đưa phi hành đoàn mới tới trạm vũ trụ Thiên Cung
Ngày 24-4, theo ABCnews, Cơ quan vũ trụ Trung Quốc đang thực hiện những bước chuẩn bị cuối cùng để đưa một phi hành đoàn mới lên trạm vũ trụ Thiên Cung.
Phi hành đoàn gồm ba thành viên của tàu vũ trụ Thần Châu-18 sẽ thay thế đội hiện tại đang điều khiển trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc kể từ tháng 10-2023.
Trong cuộc họp báo hôm nay (24-4), Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA) đã giới thiệu chỉ huy Ye Guanfu, 43 tuổi, một phi hành gia kỳ cựu từng tham gia sứ mệnh Thần Châu-13 vào năm 2021 và các phi hành gia Li Cong, 34 tuổi và Li Guansu, 36 tuổi, những người sẽ lần đầu tiên lên vũ trụ.
Phi hành đoàn Thần Châu-18 sẽ dành khoảng 6 tháng trên trạm vũ trụ Thiên Cung.
Theo Lin Xiqiang, Phó giám đốc CMSA, các phi hành gia sẽ tiến hành thử nghiệm khoa học, lắp đặt thiết bị bảo vệ mảnh vỡ không gian trên trạm vũ trụ, thực hiện các thí nghiệm về trọng tải, phổ biến giáo dục khoa học, cùng nhiều hoạt động khác.
Ông Lin Xiqiang cũng cho biết, Trung Quốc đang nỗ lực hướng tới việc cung cấp quyền truy cập vào trạm vũ trụ cho các phi hành gia nước ngoài và khách du lịch vũ trụ. Ông nói: “Chúng tôi sẽ đẩy nhanh việc nghiên cứu và thúc đẩy sự tham gia của các phi hành gia nước ngoài và khách du lịch vũ trụ trong các chuyến bay với trạm vũ trụ của Trung Quốc. Chúng tôi mong đợi được nhìn thấy các phi hành gia với nhiều quốc tịch khác nhau trên trạm vũ trụ của Trung Quốc.”
Phi hành đoàn sẽ cất cánh lúc 12:59 GMT từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở rìa sa mạc Gobi ở Tây Bắc Trung Quốc.
Bắc Kinh thực hiện sứ mệnh không gian có người lái đầu tiên vào năm 2003, trở thành quốc gia thứ ba sau Liên Xô (cũ) và Mỹ đưa người vào vũ trụ bằng nguồn lực của chính mình. Trạm vũ trụ tự Bắn cá của Trung Quốc, còn được gọi là Thiên Cung, đã hoạt động đầy đủ từ cuối năm 2022, chứa được tối đa 3 phi hành gia ở độ cao quỹ đạo lên tới 450km. Theo Học viện Công nghệ vũ trụ Trung Quốc (CAST), thời gian hoạt động của trạm vũ trụ này có thể kéo dài hơn 15 năm.